Hạnh phúc gia đình
và hạnh phúc Gia đình Phật tử
LỜI DẪN: Cảm nhận tâm tình của Diệu Nguyệt qua bài viết "hợp nhất gia đình, hợp nhất Gia đình Phật tử", Nguyên Túc đã gởi trao đến chúng ta bài tham luận nhan đề: "hạnh phúc gia đình và hạnh phúc Gia đình Phật tử".
Ý tưởng trong bài viết này cho dù đã từng được chia sẻ với cộng đồng lam viên Huyền Trang 3, nhưng vẫn còn rất mới với nhiều anh chị em chúng ta đang ở đâu đó khắp nơi trên quả địa cầu, nhưng lại có chung một màu áo Lam, một Hoa Sen Trắng, nên chuyện "gia đình", và chuyện "Gia đình Phật tử" đâu phải là "chuyện của riêng ai".
Hôm nay nói với nhau, là mong sao mỗi chúng ta xây dựng được niềm hạnh phúc "gia đình" để duy trì lâu bền và trong sáng niềm "hạnh phúc của Gia đình Phật tử". Ngược lại, tạo dựng niềm "hạnh phúc Gia đình Phật tử" trên nền tảng gìn giữ vững bền niềm "hạnh phúc gia đình". Mong thay!
I. Mở Đề
Phần lớn anh chị em Huynh Trưởng trẻ (Huyền Trang 3) chúng ta đã hoặc đang bước vào ngưởng cửa lập gia đình, có con cái và xây dựng một tổ ấm gia đình riêng. Bên cái bề bộn trăm công ngàn việc của công sở, gia đình, chăm sóc con cái, và nhất là Phật sự GĐPT . . . có thể chúng ta ít có lúc thật sự quan tâm đến vấn đề Hạnh Phúc Gia Đình và vai trò của Htr. chúng ta trong việc xây dựng một Gia Đình hạnh phúc và một GĐPT hạnh phúc.
Thưa quý anh chị! Với khoảng thời gian từ Lộc Uyển đến Huyền Trang (15 năm), không thể gọi là dài so với các anh chị Trưởng tóc bạc da sương, nhưng cũng không thể gọi là ngắn khi quan tâm đến vấn đề Hạnh Phúc Gia Đình.
Trong phạm vi bài tham luận này, Nguyên Túc xin được trao đổi về Hạnh phúc gia đình và vai trò của một HTr. Liên Đoàn Trưởng nói riêng và HTr. nói chung từ việc xây dựng một gia đình riêng hạnh phúc đến một GĐPT hạnh phúc. Mục đích của bài viết gợi lên sự thiếu sót trong chương trình tu học của Huynh Trưởng cụ thể về vấn đề Hạnh Phúc Gia Đình; mong các anh chị Trưởng quan tâm, nghiên cứu sâu hơn.
II. Luận
1. Định Nghĩa
Hạnh Phúc: Hạnh phúc thường được ví von như một chiếc chăn ngắn - chúng ta kéo phủ ấm đằng đàu thì lạnh đằng chân, hay phủ ấm đằng chân thì lạnh đằng đầu. Nếu vậy, chỉ cần vạn sự an lành, đắc cầu như ý là Hạnh phúc rồi !
Hạnh Phúc Gia Đình: (Theo nghĩa hẹp) Vợ chồng con cái hòa thuận, an vui, nồng thắm, nhiều tiếng cười từ trong nhà ra ngoài ngõ. (Theo nghĩa rộng) Hạnh phúc Gia đình là một vấn đề lớn, được quan tâm không chỉ bởi HTr. chúng ta, mà cả mọi người khắp nơi không phân biệt ranh giới quốc gia hay màu da chủng tộc; vấn đề mà nhân loại quan tâm từ xưa tới nay, bao nhiêu tìm tòi, nghiên cứu . . . thiết tha tìm một câu trả lời.
Huynh Trưởng chúng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề hạnh phúc gia đình; vì hạnh phúc gia đình liên qua trực tiếp đến Đời Huynh Trưởng và trách nhiệm hướng dẫn dìu dắt đàn em.
Thật là khó khăn bao nhiêu khi phải trả lời câu hỏi: Làm thế nào để xây dựng vun đắp hạnh phúc Gia Đình? Cảm nhận về Hạnh phúc gia đình giống như uống một cốc nước, lạnh nóng thì ai uống nấy biết.
2. Hôn Nhân
Trong một buổi hội thảo (2 tiếng đồng hồ) về HTr. và Tình Yêu đôi lứa do các anh chị BHD Miền Tịnh Khiết tổ chức năm 1999, các anh chị đưa ra vấn đề Ngưởng Cửa Hôn Nhân với các HTr. tham dự, tuy nhiên 2 tiếng đồng hồ không đủ để thảo luận một đề tài lớn như vậy. Ở đây, Nguyên Túc xin được ghi lại vài khái niệm của HÔN NHÂN trong xã hội chúng ta.
Hôn Nhân Khế Ước là cuộc hôn nhân dựa trên điều kiện mà cả hai bên đều đồng ý. Điều kiện hôn nhân có thể là điều kiện vật chất, sức khỏe, ngoại hình, môn đăng hộ đối . . .
Hôn Nhân Mặc Ước là kết quả của Ông Tơ bà Nguyệt, như Tiên Duyên tiền định, càng sống với nhau lâu, hạnh phúc sẽ đến. Ông bà cha mẹ đặt sẵn mối cho con cái.
Hôn Nhân Duyên Ước: dựa trên duyên nợ và duyên nghiệp của mình. Khi hạnh phúc là Duyên, khi không hạnh phúc là Nợ; hhi hạnh phúc là Duyên, khi không hạnh phúc là Nghiệp.
Tóm lại, có khái niệm tức là có phân biệt, mỗi khái niệm ƯỚC đều tự hàm chứa một khả năng BỂ ƯỚC dẫn đến sự khủng hoảng đời sống hạnh phúc gia đình. Sau đây là một vài nguyên nhân trong tám vạn bốn ngàn nguyên nhân BỂ ƯỚC:
Sự Nghèo Khổ: Trong ngạn ngữ tiếng Anh, có câu: When poverty comes at the door, love flies out of the window. Tạm dịch là khi nghèo khó vô cửa trước, tình yêu dù của sau.
Ước Mơ Tan Vỡ: Khi thần tượng của mình không còn như xưa nữa
Đam Mê: Đam mê một vấn đề, đối tượng, công việc nào đó, mà bỏ bê phận sự gia đình; kể cả việc Đam mê GĐPT.
Tôn Giáo Dị Biệt: sự bất đồng quan điểm trong tôn giáo ảnh hưởng lâu dài đến hạnh phúc gia đình
Sức khỏe
3. Hạnh phúc Gia Đình của Huynh Trưởng
Nếu ví hạnh phúc như việc đắp một chiếc mền ngắn, thì chính chúng ta tự biết co chân, co tay để có thể phủ ấm cả đầu lẫn chân. Trong bài viết này, xin được rút gọn vấn đề hạnh phúc gia đình với HTr. chúng ta, hiểu đạo hiểu đời, và mong xây dựng hạnh phúc gia đình song song với hạnh phúc gia đình Phật Tử.
Liệu vợ hay chồng mình có hiểu thực sự GĐPT và nghề huynh trưởng hay không?
Liệu con cái mình có hiểu và tự nguyện thành đoàn sinh GĐPT hay không? Con cái mình có tự nguyện dấn thân vào nghề Huynh Trưởng hay không?
Mỗi tuần có bao nhiều giờ cho gia đình, cho gia đình phật tử?
Tương lai sự nghiệp của con cái mình có đi đôi với tương lai của tổ chức GĐPT hay không?
Đồng ý và không đồng ý ? Có 8 vạn bốn ngàn chuyện để đồng ý và không đồng ý, chỉ cần khởi niệm tự ái, chúng ta đã có cải vả và gây nhau.
Hòa Đồng và Bất Đồng? Khi lý và sự không ăn khớp và đi chung với nhau, nếu không HÒA nhau được, chúng sinh ra LUẬN, trong quá trình luận, tâm lý con người là lục lọi tìm kiếm trong kho trí nhớ của mình bao nhiêu dữ kiện xấu, dữ kiện cay đắng . . . để tham gia cuộc LUẬN (chấp, so sánh, phân tích, phê bình, lên án và đôi khi có cả thượng tay hạ cẳng ) mong thỏa mãn phần TÔI của mình. Để rồi, bao nhiêu cái tốt đẹp bị đè bẹp bởi hàng trăm cái xấu, cái Nhân kiến, thiên kiến, định kiến; mỗi ngày một chồng chất thành một kho dữ liệu nội kết, khó mà giải quyết xung đột được. Lúc bây giờ, thực tướng bị giả tưởng che đậy.
Và hàng trăm câu hỏi khác mà HTr. chúng ta phải đối diện hàng ngày, hàng tuần trong chánh niệm xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Như vậy, “Mất Hạnh Phúc Gia Đình” là mầm căn trong mỗi Huynh trưởng chúng ta; gọi là căn bởi vì nó có thể trở thành Bịnh bất cứ lúc nào. Cổ nhân nói rằng, biết được căn của bịnh là đã trị được nửa chứng bịnh rồi. May mắn thay, là Phật tử, chúng ta được học Phật trực tiếp từ quý Thầy, quý thiện tri thức, quý anh chị phương pháp trị chứng bịnh này; vậy có tinh tấn trị hay không là do ở chúng ta mà thôi.
Giả sử, trong ký ức chúng ta chỉ chứa những ấn tượng tốt, nghiệp tốt của nhau; ví dụ, những lời nói xúc phạm vừa ra khỏi miệng đã là khói bay. Quá khứ là quá khứ, chẳng mệt mõi truy tìm, trả quả khứ lại cho quá khứ. Sự đến, tâm hiện điều tốt lành; sự đi, tâm tràn điều vui.
Nếu chúng ta tu tập được như vậy, sống trọn vẹn với phút hiện tại, mỗi ngày thấy ở nhau những điều tốt đẹp trong cái thực tướng đạo đời hòa hợp. Có GĐPT, có các anh chị em là chất keo xúc tác làm mới mỗi phút hiện tại. Hạnh phúc gia đình riêng, một ngày nào đó gần hơn với hạnh phúc GĐPT. Nghề huynh trưởng buồn vui cả đời, hạnh phúc gia đình ảnh hưởng không ít đến điều đó.
4. Thử Tìm Một Giải Pháp
Chương trình tu học của Huynh Trưởng đang chờ nhiều câu trả lời từ mỗI chúng ta.
III. KẾT
Hạnh phúc gia đình của một LĐT ảnh hưởng trực tiếp đến sự thịnh suy của đơn vị GĐPT. Một hạnh phúc hòa hợp giữa đạo và đời là một hạnh phúc viên chân. GĐPT có thể là một giải pháp cho hạnh phúc gia đình; ngược lại hạnh phúc gia đình là một điều kiện cần để chúng ta, những Huynh Trưởng LĐT, phục vụ cho lý tưởng nhà Lam. Vậy nên, chúng ta nên đặt vấn đề tu tập Hạnh Phúc Gia Đình trong chương trình tu học của mình.
No comments:
Post a Comment